Tổng quan về biên dịch

Tổng quan về biên dịch

25/03/2021Admin

Biên dịch là cầu nối giữa người viết và người đọc trong một ngôn ngữ khác. Để làm tốt vai trò cầu nối đó, biên dịch viên phải có khả năng hiểu đúng những điều tác giả viết và chuyển tải đầy đủ những điều đó cho người tiếp nhận. Nói cách khác, biên dịch viên phải “ biết đọc ” bằng ngôn ngữ gốc và “ biết viết ” bằng ngôn ngữ đích. Để “ biết đọc ” và “ biết viết ” thì có bốn điều kiện tiên quyết là : thành thạo ngôn ngữ , có nền tảng kiến thức chung rộng lớn, có kỹ năng đọc hiểu và kỹ năng viết thành thạo.

Thành thạo ngôn ngữ

Không ai có thể trở thành biên dịch viên nếu không sử dụng thành thạo hai ngôn ngữ. Sử dụng “ thành thạo ” ở đây được hiểu là sử dụng như tiếng mẹ đẻ. Không những vậy, biên dịch viên còn phải hiểu biết tường tận sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài) trên tất cả các mặt : từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc câu, cách hành văn v.v…bởi nếu không thì bản dịch sẽ có nguy cơ trở thành một bản văn bằng ngôn ngữ đích nhưng cấu trúc theo ngôn ngữ gốc.

Kiến thức chung trong biên dịch

Ngôn ngữ không đơn thuần là từ vựng và ngữ pháp. Về bản chất, ngôn ngữ là một phương tiện biểu đạt các tư tưởng, suy nghĩ, giá trị văn hoá, kiến thức …của một cộng đồng người. Do vậy, biên dịch viên sẽ không thể hiểu được trọn vẹn văn bản dịch nếu không có kiến thức sâu rộng về lịch sử của ngôn ngữ, về văn hoá, đất nước và con người sử dụng ngôn ngữ đó. Ai có thể hiểu đầy đủ ý nghĩa của câu “ Năm nay anh ấy không có Tết ” nếu không biết Tết là gì và Tết quan trọng như thế nào đối với một người Việt ? Và nếu không hiểu đầy đủ, làm sao có thể dịch đúng ?

Bên cạnh đó, các lĩnh vực chuyên môn của tài liệu dịch rất đa dạng. Trong cùng một ngày, biên dịch viên có thể phải dịch một tài liệu về triết học, một tài liệu về tài chính, một tài liệu về xây dựng. Nếu không có một nền tảng kiến thức tối thiểu về chuyên ngành liên quan, biên dịch viên chắc chắn sẽ gặp vô vàn khó khăn để hiểu văn bản cũng như để chuyển tải sang một ngôn ngữ khác.

Kỹ năng đọc hiểu

Một nguyên tắc vàng cần phải được nhắc đi nhắc lại khi dịch một văn bản đó là: để có thể dịch đúng, dịch chính xác một văn bản, người biên dịch cần phải hiểu được những gì mình sẽ dịch hay nói cách khác là phải hiểu và nắm được nội dung của văn bản cần dịch. Chỉ khi ta đã hiểu và làm chủ được nội dung của văn bản cần dịch thì ta mới có thể tránh rơi vào tình trạng dịch từ, dịch câu,  tập trung vào dịch nghĩa của văn bản và truyền tải thông điệp của tác giả tới người đọc. Để có thể hiểu được văn bản cần dịch thì người biên dịch cần phải tra cứu các loại từ điển phù hợp tùy theo chuyên ngành của lĩch vực mình dịch (pháp lý, thương mại, y tế, xây dựng...) và tìm đọc các tài liệu liên quan đến chủ đề dịch để có thể hiểu và nắm được những khái niệm cơ bản trong lĩnh vực đó. Ngay cả trong quá trình tìm kiếm thông tin, tra cứu từ điển và tài liệu liên quan, người biên dịch cũng cần phải hiểu đúng những gì mình đọc được, nếu không quá trình tra cứu và tìm hiểu thông tin sẽ không hiệu quả và không phục vụ được công việc biên dịch văn bản/ tài liệu sau đó. Như vậy, trong mọi trường hợp, người biên dịch cần phải có kỹ năng đọc văn bản/tài liệu để có thể hiểu được văn bản/tài liệu đó trước khi bắt tay vào dịch.

Kỹ năng truyền đạt thông tin (soạn thảo văn bản)

Để thực hiện tốt vai trò cầu nối của mình, biên dịch viên cần có khả năng tiếp nhận thông tin thật tốt. Không ai có thể dịch được văn bản nếu không hiểu văn bản đó. Nhưng nhiệm vụ của biên dịch viên không chỉ là tiếp nhận thông tin mà quan trọng hơn còn là truyền đạt lại thông tin đã tiếp nhận. Nói cách khác, biên dịch viên cần phải biết soạn thảo văn bản.

Trong thực tế, biết soạn thảo văn bản có nghĩa là gì ? Biết soạn thảo, có nghĩa là biết chọn từ đúng, biết viết các câu đúng ngữ pháp và có nghĩa, biết viết các đoạn văn bản đáp ứng những tiêu chí về tính thống nhất và sự liên kết ý, biết tập hợp các đoạn văn bản thành một tổng thể hoàn chỉnh mạch lạc và truyền tải đầy đủ nội dung của văn bản gốc.

Văn bản dịch chỉ tồn tại khi có văn bản gốc. Cho nên văn bản dịch phải phụ thuộc vào văn bản gốc. Nhưng mức độ phụ thuộc đến đâu ? biên dịch viên có phải tuân thủ theo tất cả các khía cạnh của văn bản gốc hay không ? biên dịch viên được phép “ tự do sáng tác ” ở  mức độ nào ?

Chia sẻ:

Liên quan