Sơ lược về phiên dịch song song

Sơ lược về phiên dịch song song

25/03/2021Admin

Một số yêu cầu và nguyên tắc dịch song song

Trong tác phẩm “La Traduction simultanée, fondements théoriques » ( Dịch song song, lý thuyết cơ sở - 1981), tác giả Marianne Lederer đã nghiên cứu và xác định được 8 thao tác được phiên dịch thực hiện gần như đồng thời, hoặc chí ít trong thời gian rất ngắn, trong khi tác nghiệp, đó là:

  • Nghe
  • Hiểu ngôn ngữ gốc
  • Ghi nhớ có ý thức – phân tích thông tin (nắm bắt những thông tin nghe được và gắn kết chúng với những miền kiến thức nền mà phiên dịch có sẵn trước đó để nhớ và hiểu thông tin cần truyền tải)
  • Diễn đạt bằng ngôn ngữ đích ý của diễn giả trên cơ sở thông tin đã ghi nhớ có ý thức (Chuyển ý)
  • Tìm những từ, thuật ngữ tương đương trong ngôn ngữ đích (Chuyển ngữ)
  • Xây dựng liên kết giữa các ý
  • Ý thức về bối cảnh, tình huống; ý thức về diễn giả

Đây cũng chính là những thao tác mà phiên dịch thực hiện khi dịch nối tiếp. Điều khác biệt cơ bản có chăng chỉ là vấn đề thời gian để thực hiện các thao tác này. Khi dịch nối tiếp, phiên dịch có thời gian để xử lý các khó khăn gặp phải khi thực hiện từng thao tác. Khi dịch song song, họ phải thực hiện tất cả các thao tác trong khoảng thời gian hạn chế hơn nhiều. Với sức ép thời gian như vậy, song phiên dịch cabin vẫn phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu như khi dịch nối tiếp: những hình ảnh mà diễn giả nêu phải được người nghe nắm bắt và hình dung một cách đầy đủ, ý của diễn giả phải được hiểu một cách chính xác, liên kết giữa các ý phải được xác lập.

Phân tích để hiểu ý của diễn giả là yêu cầu không thể thiếu khi dịch cabin. Khi dịch cabin, dù không thể ghi chép, phiên dịch vẫn cần chuyển tải được sang ngôn ngữ đích không phải chỉ là từ ngữ và thuật ngữ tương đương mà quan trọng hơn đó là chuyển tải ý của diễn giả đã được phiên dịch hiểu chính xác. Để giúp quá trình phân tích thông tin được nhanh chóng và hiệu quả, phiên dịch cần chuẩn bị kiến thức thật tốt về chủ đề liên quan.

Ngoài ra, để có thể đảm bảo thực hiện tốt các thao tác trên, hơn ai hết, phiên dịch cabin phải có khả năng làm chủ ngôn ngữ rất tốt (cả ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như ngoại ngữ sử dụng). Sở dĩ như vậy là vì dường như điều kiện làm việc của phiên dịch cabin “khắc nghiệt” hơn so với phiên dịch nối tiếp. Về mặt nghe hiểu, phiên dịch cabin phải diễn đạt gần như tức thời những gì mà phiên dịch hiểu, trong khi thời gian phiên dịch được phép “chậm” hơn diễn giả để suy nghĩ và phân tích không bao giờ được vượt quá vài giây; phiên dịch ca bin tiếp nhận âm thanh một cách gián tiếp qua hệ thống micro, dây, tai nghe và do đó hiệu quả công việc của phiên dịch bị ảnh hưởng nhiều bởi chất lượng hệ thống kỹ thuật; phiên dịch ca bin phải vừa nói, vừa nghe diễn giả do đó khả năng nghe hiểu cũng bị hạn chế phần nào. Về mặt diễn đạt, yêu cầu hàng đầu đối với phiên dịch cabin là dịch đúng ý và diễn đạt sáng ý. Điều này đòi hỏi phiên dịch phải làm chủ ngôn ngữ đích thật tốt để có thể diễn đạt một cách tự nhiên, trôi chảy và sáng sủa, rõ ràng những gì đã nghe được, giúp truyền tải thông điệp của diễn giả một cách hiệu quả nhất tới người nghe.

Để đảm bảo yêu cầu dịch đúng ý và sáng ý, phiên dịch cabin cần phải giữ được khoảng cách cần thiết so với diễn giả. Nếu phiên dịch “đeo bám” quá sát diễn giả sẽ dễ dàng bị sa đà vào việc dịch từ, chuyển ngữ đơn thuần thay vì dịch ý. Ngoại trừ các con số, tên riêng… phiên dịch cabin cần phải nghe thật chăm chú, còn lại, tất cả những gì phiên dịch cabin cần nghe-hiểu- tái hiện lại là: thông tin, quan điểm, lập luận và tư duy của diễn giả cũng như cảm xúc của diễn giả.

Tóm lại, sau đây là những nguyên tắc cơ bản đối với phiên dịch cabin:

  • Chú trọng dịch ý;
  • Chuẩn bị kiến thức tốt về chủ đề dịch;
  • Biết mình đang dịch cho ai, trong hoàn cảnh nào;
  • Giữ khoảng cách phù hợp với diễn giả để tư duy, phân tích, lọc ý;
  • Giữ nhịp ổn định, phát âm rõ, diễn đạt sáng;
  • Thể hiện được cảm xúc của diễn giả.

Phương pháp luyện dịch song song

Thật khó để tìm được cuốn sách giáo khoa nào dạy về các phương pháp dịch song song. Sở dĩ như vậy là vì dịch song song trên cơ sở những yêu cầu và nguyên tắc như được trình bày ở phần trên là tập hợp những kỹ năng được rèn luyện và trau dồi từng bước qua thời gian và thực tế mà thành. Phần sau đây xin giới thiệu về một số phương pháp giúp các phiên dịch nối tiếp tập luyện để từng bước tiếp cận và làm chủ các kỹ năng dịch song song.

a) Thực hành “shadowing”

"Shadowing" là bài tập nghe và đồng thời nói theo các bản tin, phóng sự, chương trình phát thanh truyền hình của người bản ngữ. Đây là bài tập dành cho phiên dịch cabin trong thời gian đầu chuyển từ dịch nối tiếp sang dịch song song với mục đích rèn luyện tốc độ nói, sự trôi chảy, kiểm soát ngữ âm và ngữ điệu. Tuy nhiên, bản chất của "shadowing" là thuần túy nhắc lại những gì nghe được mà không có sự tư duy, phân tích, lọc ý và chuyển ngữ nên hoàn toàn khác với bản chất phiên dịch song song. Do đó, bài tập này chỉ áp dụng hạn chế trong thời gian đầu phiên dịch làm quen với dịch cabin để giúp phiên dịch rèn luyện tốc độ nói, ngữ âm và ngữ điệu chứ không giúp phiên dịch rèn luyện các kỹ năng cần thiết khác của phiên dịch cabin.

b) Thực hành đếm ngược:

Bài tập này được thực hiện như sau: phiên dịch trong cabin sẽ đếm ngược 462, 461, 460.... bằng ngôn ngữ A. Hướng dẫn viên ở ngoài sẽ đọc một câu chuyện vẫn bằng ngôn ngữ A. Phiên dịch sẽ phải nghe đồng thời vẫn đếm chính xác và giữ nhịp ổn định. Sau đó khi ra khỏi ca bin, phiên dịch sẽ được yêu cầu kể lại bằng ngôn ngữ A nội dung câu chuyện mà phiên dịch đã nghe được trong lúc đếm.

Bài tập này giúp phiên dịch rèn luyện thực hiện hai kỹ năng cùng một lúc: nghe hiểu và nói.

Bài tập này sẽ được tăng dần độ khó để tiếp tục rèn luyện kỹ năng nghe hiểu và khả năng tập trung của phiên dịch ca bin. Phiên dịch sẽ được yêu cầu đếm ngược bằng ngôn ngữ A và hướng dẫn viên đọc câu chuyện bằng ngôn ngữ B. Những con số được yêu cầu đếm ngược sẽ được thay đổi thường xuyên để tránh cho công việc này trở nên quá dễ dàng như học thuộc lòng. Những câu chuyện do hướng dẫn viên kể cũng tăng dần tính phức tạp: từ các câu chuyện đơn giản đến các câu chuyện thời sự, các chủ đề về môi trường, y tế, giáo dục...đòi hỏi phiên dịch phải có kiến thức liên quan và khả năng tư duy tổng hợp.

Bài tập này sẽ không kéo dài quá lâu: chỉ cần thực hiện 4-5 lần là đủ để giúp phiên dịch hiểu công việc mình cần làm: nghe thông tin, phân chia sự chú ý hợp lý cho nghe hiểu và nói, diễn đạt lại một cách logic những gì đã nghe được.

c) Dịch tóm lược

Bài tập này giúp phiên dịch tiếp cận gần hơn với kỹ năng dịch song song. Hướng dẫn viên sẽ kể một câu chuyện tự phóng tác bằng ngôn ngữ A, phiên dịch trong ca bin không phải dịch đầy đủ nhưng sẽ phải đồng thời tóm lược các nội dung, ý chính của câu chuyện một cách lo gic bằng ngôn  ngữ B trong cabin. Bài tập này cũng gần giống như khi chúng ta được yêu cầu dịch thầm (whispering), nghe nội dung bằng ngôn ngữ A và đồng thời tóm lược lại ý chính bằng ngôn ngữ B.

Bài tập này giúp rèn luyện kỹ năng nghe hiểu, sàng lọc ý và diễn đạt.

d) Dịch truyên cổ tích

Những câu truyện cổ tích có nội dung tương đương trong cả hai ngôn ngữ sẽ được lựa chọn. Ví dụ: câu truyện Cô bé quàng khăn đỏ (tiếng Việt) và câu truyện Le petit chaperon rouge (tiếng Pháp). Bài tập này giúp phiên dịch rèn luyện kỹ năng chuyển ngữ song song mà không phải tập trung quá vào nghe hiểu, nắm bắt ý vì đây là những câu truyện mà mỗi người gần như đã thuộc lòng. Bài tập này giúp phiên dịch tập trung vào rèn luyện kỹ năng chuyển ngữ, diễn đạt tự nhiên, trôi chảy và có cảm xúc.

Sau tất cả các bài tập này, phiên dịch gần như đã nắm được những yêu cầu và kỹ năng cơ bản khi dịch song song. Họ sẽ bước vào thực hành dịch song song và từng bước trau dồi, hoàn thiện các kỹ năng này trong quá trình tác nghiệp.

Chia sẻ:

Liên quan