- Trang chủ
- Quá trình hình thành và phát triển
Ngày 17/4/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 47 về việc thành lập Bộ Ngoại giao. Khoản 8, Điều 3 của Sắc lệnh quy định Phòng Thông dịch là 1 trong 8 đơn vị thuộc Nội Bộ (các đơn vị tại Trụ sở Bộ), có nhiệm vụ : “Dịch các đơn từ, sách vở, báo chí ngoại quốc ra tiếng Việt Nam. Dịch các công văn hoặc sách vở Việt Nam ra các sinh ngữ ngoại quốc. Thông ngôn cho Bộ trưởng và các cơ quan trong Bộ khi trực tiếp với người ngoại quốc ».
Giai đoạn 1945-1954 là thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Chính phủ Việt Nam chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Trong thời gian này, Việt Nam ít có quan hệ quốc tế nên Bộ Ngoại giao nói chung và Phòng Thông dịch ít có hoạt động.
Giai đoạn 1954-1979, Phòng Thông dịch được gọi tên là Phòng Phiên dịch trực thuộc Văn phòng Bộ Ngoại giao. Phòng được chia ra làm nhiều tổ : tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung. Phòng Phiên dịch trở thành nơi cung cấp phiên dịch (nhất là tiếng Anh) không những cho Bộ Ngoại giao mà cả cho cơ quan Đảng, Nhà nước, cũng như các đoàn thể công đoàn, phụ nữ, thanh niên.
Từ năm 1979 đến năm 1991, Phòng phiên dịch được giải thể ; công tác biên phiên dịch được giao cho cán bộ tại các Vụ chuyên môn của Bộ Ngoại giao phụ trách. Đến tháng 4 năm 1991, trước nhu cầu phải có đội ngũ cán bộ phiên dịch chuyên trách, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ra quyết định thành lập lại Phòng Phiên dịch do bà Tôn Nữ Thị Ninh làm Trưởng phòng (1991-1992). Sau đó lần lượt các ông Trần Ngọc Thạch (1992-1993; 2000-2001), Phạm Sanh Châu (1995-2000) và Tạ Văn Thông (2001-2008) được Bộ đề bạt làm Trưởng phòng qua các thời kỳ từ đó đến 2008.
Sau gần 02 thập kỷ thực hiện phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ và tích cực hội nhập quốc tế, nhu cầu biên phiên dịch phục vụ hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước không ngừng gia tăng. Bên cạnh các ngoại ngữ phổ biến là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga hay tiếng Trung, đã xuất hiện nhu cầu sử dụng nhiều ngoại ngữ khác như tiếng Đức, tiếng Ả-rập, tiếng Thái, tiếng Khơ-me v.v… Để đáp ứng tốt nhu cầu đó và tăng cường hơn nữa tính chuyên nghiệp cũng như chất lượng của công tác biên phiên dịch, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã quyết định nâng cấp Phòng Phiên dịch trực thuộc Văn phòng Bộ thành Trung tâm Biên-Phiên dịch Quốc gia vào tháng 6 năm 2008.
Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2022.Theo Nghị định số 26/2017/NĐ-CP trước đây, Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng theo quy định tại Nghị định mới, đơn vị được tổ chức thành Vụ Biên Phiên dịch đối ngoại và là đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Trong quá trình hình thành và phát triển, Vụ Biên Phiên dịch đối ngoại không ngừng lớn mạnh, với đội ngũ biên-phiên dịch ngày càng chuyên nghiệp thuộc hàng chục ngoại ngữ khác nhau. Ngoài việc đảm nhận công tác phiên dịch cho hoạt động đối ngoại dày đặc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Bộ Ngoại giao, hàng năm, Vụ còn phục vụ các hội thảo, hội nghị quốc tế ở trong nước và ở nước ngoài, biên dịch và hiệu đính hàng ngàn trang tài liệu ra nhiều thứ tiếng, tổ chức nhiều khóa đào tạo bồi dưỡng biên phiên dịch cho các cơ quan, tổ chức. Có thể nói, Vụ Biên Phiên dịch đối ngoại ngày càng lớn mạnh để thực sự xứng tầm với tên gọi của mình.
Bài viết khác
Đội ngũ