- Trang chủ
- Chia sẻ kinh nghiệm
- Ai bảo phiên dịch là khổ?
Thủa nhỏ chúng tôi từng học thuộc lòng nhiều bài trong cuốn “Luân lý giáo khoa thư” tựa như sách giáo khoa về môn đạo đức ngày nay. Trong số những bài ấy có bài “Ai bảo chăn trâu là khổ?” vẽ nên bức tranh lãng mạn để khẳng định “chăn trâu sướng lắm chứ”!
Đối với riêng tôi, cảm nghĩ về nghề phiên dịch cũng tựa như chăn trâu đầy gian truân nhưng cũng lắm điều “sướng”. Một trong những cái “sướng” của nghề này là được tiếp xúc với nhiều VIP của nước mình và thiên hạ, nhờ vậy học được rất nhiều điều giúp mình thành người.
Nếu không làm phiên dịch thì làm sao tôi có cơ hội tiếp cận Bác Hồ và các vị lãnh đạo hàng đầu như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…qua đó học được biết bao điều hay lẽ phải? Nhân đây tôi xin chia sẻ đôi điều.
Đối với mọi người Việt Nam (và cả không ít người trên thế giới) Bác Hồ luôn là thần tượng cao đẹp, đối với người Việt Nam Bác là vị cứu tinh dân tộc. Lúc nhỏ tôi nghe người lớn thầm thì phỏng đoán cụ Hồ Chí Minh chính là nhà cách mạng huyền thoại Nguyễn Ái Quốc. Nhân dịp Tết Trung Thu đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, nhà nhà ở Hà Nội lập “bàn thờ Tổ Quốc” – một hiện tượng có một không hai trên thế giới; giữa bàn thờ bầy chân dung Bác Hồ có đôi mắt sáng quắc với hai đồng tử. Cá nhân tôi được trông thấy Bác đôi ba lần, đương nhiên từ rất xa như tại cuộc mít-tinh ở quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội trước khi Bác lên đường đi thăm Pháp cũng như khi đi đón Bác về. Có ngờ đâu sau này tôi lại có dịp trực tiếp phục vụ Bác không ít lần và mỗi lần đều để lại trong tôi những kỷ niệm không bao giờ quên.
Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Bác rất gần là vào năm 1955, khi Bác chính thức sang thăm Liên Xô và tới thăm Trường Đại học M.Lômônôsốp (lúc ấy 100 anh chị em chúng tôi đang học tiếng Nga ở Mát-xcơ-va để làm phiên dịch cũng được tham dự). Phát biểu tại đó, Bác ví Trường Lômônôsốp như một cô gái trẻ so với “bà già” Đại học Nữu Ứớc. Người phiên dịch đã dùng từ “starukha” để dịch chữ “bà già”; Bác liền sửa lại là “baba” chứ không phải “starukha”! Điều uốn nắn của Bác làm cho cả hội trường thích thú òa lên vỗ tay không ngớt. Số là trong tiếng Nga, “baba” miêu tả một bà già lếch thếch mà ở ta gọi là “mẹ bổi” chứ không chỉ là một bà già bình thường.
Từ đó tôi hiểu ra rằng, ngôn ngữ rất tinh tế, phiên dịch phải thể hiện thật chuẩn không chỉ con chữ mà là cái hồn ẩn trong đó mới là điều quan trọng. Và nữa, khi phát biểu trước công chúng phải chọn cách nói hấp dẫn, thu phục lòng người ngay khi mở đầu.
Một lần khác, Bác đến dự chiêu đãi do Chính phủ tổ chức nhân dịp đầu Xuân dành cho chuyên gia nước ngoài. Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô thay mặt các chuyên gia nước ngoài đọc đáp từ, trong đó chúc Bác Hồ sống lâu; phiên dịch dịch là chúc Bác “bách niên giai lão”. Lúc ấy tôi đứng sau lưng Bác và Bác Tôn nên nghe thấy Bác rỉ tai Bác Tôn: “Mình có lấy vợ đâu mà chúc bách niên giai lão?”.
Qua đận đó tôi rút ra bài học là phải hết sức tránh sử dụng những câu, những chữ mình không rõ nghĩa, nhất là những từ Hán – Việt thường rất thâm thúy.
Rồi một lần kia tôi được gọi lên Phủ Chủ tịch dịch cho Bác tiếp phóng viên tạp chí Thời mới của Liên Xô. Trong khi đợi khách, Bác lấy thuốc lá ra hút, kèm theo là mảnh giấy nhỏ rồi lẩm nhẩm đọc đi đọc lại mấy từ Nga. Tôi mạnh dạn hỏi: Bác vẫn học tiếng Nga ạ? Đáp lại, Bác nói: lâu không dùng nên Bác quên nhiều, nay Bác học lại và học thêm bằng cách ghi một số từ vào mảnh giấy nhỏ để vào hộp thuốc lá, mỗi lần lấy thuốc ra hút lại nhẩm lại. Mỗi ngày trung bình Bác hút 20 điếu, có rơi rụng vẫn có thể học được mươi từ một ngày!
Tôi tự thấy quá hổ thẹn vì mình quá lười học! Trong khi Bác biết hàng chục thứ tiếng, lại bận trăm công ngàn việc, hơn nữa tuổi đã cao thế nhưng Cụ vẫn cặm cụi học, còn mình thì chỉ bập bẹ nhõn một ngoại ngữ nhưng lại chẳng chịu học! Ngôn ngữ nói chung, ngoại ngữ nói riêng là cả một bể kiến thức mênh mông; không thường xuyên rèn rũa thì làm sao dịch tốt được?
Một lần kia, nhân Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Tiệp Khắc sang thăm nước ta được bố trí ở trong Phủ Chủ tịch và tôi được huy động phục vụ Đoàn (lúc ấy phải dịch qua tiếng Nga vì chưa có phiên dịch tiếng Tiệp). Khi theo Bác đi gặp bạn, tôi bỗng thấy Bác quệt tay vào bậu cửa sổ hành lang rồi chìa cho tôi xem và bảo: ”Còn nhiều bụi quá, cháu nhắc anh chị em lau chùi kỹ nhé!”.
Thế mới biết trong ngoại giao không có chi tiết nào là nhỏ cả!
Một lần tôi ngượng chín người vì bị Bác nhận xét. Số là khi Hội nghị quốc tế 81 Đảng cộng sản và công nhân họp tại Mát-xcơ-va vào năm 1960, Đoàn ta[1] được bố trí ở ngôi biệt thự từng dành cho Xtalin nằm ở ngoại ô, bên bờ sông Mát-xcơ-va. Đương nhiên, Đoàn được chiêu đĩa rất hào phóng; trên bàn ăn lúc nào cũng bầy la liệt sơn hào hải vị. Còn trẻ và muốn nếm các món mình chưa bao giờ nhìn thấy nên tôi dùng xiên lấy thức ăn hết đĩa này sang đĩa khác. Thấy vậy Bác liền nhắc khẽ: cháu ăn món nào thì ăn hết đĩa ấy; mỗi đĩa cháu lấy một chút, thừa ra ai ăn? Tôi ngượng đỏ cả mặt, may mà được đồng chí Lê Duẩn nói đỡ: ”Nó còn trẻ, Bác cứ để nó ăn”. Đáp lại, Bác nói: Bác đâu có cấm nó ăn, Bác nhắc nó cách ăn thôi mà.
Từ ngày đó tôi luôn tâm niệm rằng, làm phiên dịch không chỉ cần học viết, học nói mà rất cần học cách ăn, cách mặc nữa!
Trong nghề ngoại giao nói chung và trong nghề phiên dịch nói riêng nhiều khi nẩy sinh những sai sót, trục trặc, thậm chí thảm họa. Làm thế nào để xử lý là cả một nghệ thuật. Cá nhân tôi đã được chứng kiến Bác xử lý tài tình thế nào.
Sự cố xẩy ra khi ta đón đại biểu Quốc Hội Bungari do ông Trécvencốp dẫn đầu. Ông từng là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bungari nhưng bị thất sủng trong chiến dịch “chống sùng bái cá nhân” ở Liên Xô và Đông Âu nhưng vẫn là ủy viên BCT, Chủ tịch Quốc Hội. Cùng đi với ông có bà vợ tên là Maria, em gái Đimitrốp từng là Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản và lừng danh khi đương đầu với Tòa án của phát-xít Đức kết tội ông chỉ đạo việc đốt Nhà Quốc Hội Đức; sau chiến tranh ông trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Bungari.
Trên đường xuống Hải Phòng, đoàn xe của Đoàn dừng lại bên cầu Phú Lương để chờ tầu hỏa đi qua. Ông Trécvencốp cùng phu nhân định xuống xe nhưng khi cửa xe mở ông bỗng đóng sầm lại tránh để phu nhân xuống xe vì ông thấy anh em ta đứng thành hàng dài trên đường tầu “giải quyết vấn đề” (!). Từ đó trở đi, ông ngồi lầm lỳ, không nói năng gì, kể cả khi lãnh đạo Hải Phòng tiếp đãi.Thật là “thảm họa ngoại giao”!
Sáng sớm hôm sau, trực ở Nhà khách 12 Ngô Quyền bỗng tôi được tin Bác Hồ đến nên vội chạy ra đón; Bác bảo thông báo trước với bạn rằng Bác đến thăm. Khi tôi gõ cửa phòng, ông Trécvencốp hé cửa với vẻ mặt bực bội, tôi vội báo tin đồng chí Hồ Chí Minh đang lên thăm ông bà! Đúng lúc ấy Bác lững thững đi tới; ông Trécvencốp chỉ kịp khoác chiếc khăn tắm lên người, còn phu nhân vẫn mặc nguyên váy ngủ. Bác bảo tôi đưa mấy chiếc ghế mây ra sân thượng để Bác tiếp bạn.
Ông Trécvencốp nói với Bác : ông còn chưa kịp tới chào Bác, nay Bác lại tới thăm làm cho ông quá áy náy! Đáp lại Bác nói: ở phương Đông có câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, là học trò của đồng chí, nay thầy tới nhà tôi phải tới chào trước chứ! Vả lại cô Maria lại là em nuôi tôi khi tôi cùng hoạt động với đồng chí Đimitrốp, vậy em đến nhà thì anh phải tới thăm!
Ông Trécvencốp thốt lên: làm sao tôi có thể là thầy của đồng chí - một nhà lãnh đạo nổi tiếng của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế - được? Bác đáp lại: đồng chí không biết đó thôi, tôi từng lén nghe đồng chí giảng bài tại Trường Đại học cộng sản Mát-xcơ-va đấy!
Thế rồi chủ - khách chuyện trò vui vẻ, trao đổi thân tình và không hề nhắc gì tới sự cố xẩy ra cả.
Đây có lẽ là cuộc tiếp xúc ngoại giao vô tiền khoáng hậu không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới nữa, khi nguyên thủ quốc gia tiếp thượng khách chỉ khoác trên người chiếc khăn tắm, còn phu nhân vẫn mặc váy ngủ!
Qua đây ta thấy Bác Hồ đã xử lý sự cố ngoại giao theo kiểu “lấy tình người xóa đi khúc mắc” tài tình như thế nào. Mặt khác Bác xử lý rất nghiêm những người mắc lỗi; khi được báo cáo Bác đã yêu cầu thay ngay toàn bộ ê-kip bảo vệ Đoàn.
Nói về những bài học học được qua những lần được tiếp xúc với Bác thì còn nhiều; do khuôn khổ bài viết tôi chỉ có thể lẩy ra mấy chuyện trên thôi.
Qua rất nhiều lần tháp tùng đồng chí Lê Duẩn tôi thấy dịch cho ông rất cực do giọng ông mang nặng âm sắc Quảng Trị, tư duy của ông rất uyên thâm, cao xa; ngôn ngữ không theo kịp cho nên phiên dịch phải biết được nếp nghĩ của ông để đoán xem ý ông muốn nói gì.
Qua đó tôi ngộ ra rằng, người phiên dịch chẳng những phải hiểu những điều người mình phục vụ nói gì mà còn cần phải hiểu họ nghĩ gì, phương pháp tư duy, lập luận của họ ra sao để có thể dịch đúng.
Dịch cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng dễ hơn nhiều vì ông là một nhà ngoại giao từng trải, thể hiện suy nghĩ của mình rành rọt, khúc triết, tinh tế. Qua rất nhiều lần dịch cho ông, tôi còn lưu giữ rất nhiều kỷ niệm; ở đây xin chia sẻ đôi điều.
Một lần ông hỏi tôi rằng, ông Aliev, ủy viên BCT, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (lúc ấy là một ngôi sao đang lên trên chính trường Xô-viết) là người thế nào? liệu có lên thay ông Côxưghin làm Thủ tướng không? Tôi đánh liều trả lời rằng, rất khó xẩy ra điều đó vì ông là người Adécbaigiăng, theo truyền thống của Liên Xô thì không thể; vả lại ông không nằm trong số cận thần của ông Brêgiơnhép. “May” cho tôi là thực tế đã diễn ra đúng như vậy; ông Aliep thất sủng dần và ông Tikhônốp vốn là một cộng sự gần gụi của ông Brêgiơnhép từ thời ông làm Bí thứ thứ nhất tinh ủy Đnhéprôpêtrốpxcơ, đã lên làm Thủ tướng thay ông Côxưghin!
Xem như vậy thì phiên dịch cần phải “biết tuốt” chứ không chỉ ngoại ngữ!
Hai bài học nữa tôi tiếp thu được từ ông Phạm Văn Đồng qua chuyến thăm Liên Xô sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Khi đi thăm Nhà máy sản xuất ô-tô Lê-nin ở Mát-xcơ-va, ông Giám đốc chỉ vào một bức ảnh trưng bầy về quan hệ Xô – Việt nói: đây là Đồng chí (ý nói Thủ tưởng Phạm Văn Đồng). Tôi láu táu nói lại rằng, không phải, đó là ông Dương Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt – Xô! Nhận xét đó của tôi làm cho ông Giám đốc đỏ cả mặt!
Khi Đoàn về tới ĐSQ nước ta, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không vào hội trường ngay mà rủ tôi đi bách bộ trong vườn. Sau vài câu chuyện trao đổi ông bỗng bảo tôi: ”Đáng ra Khoan (ông vẫn gọi tôi như vậy) chẳng cần cải chính làm gì, làm vậy chỉ đặt ông Giám đốc Nhà máy vào thế khỏ xử”. Bản thân tôi cũng đã cảm thấy ngay là mình “hố” nên đã xin lỗi Thủ tướng, hứa không bao giờ hành xử như vậy nữa.
Qua sự cố đáng hổ thẹn này tôi rút ra bài học là làm phiên dịch không được láu táu, mỗi lời nói và hành động cần cân nhắc thật kỹ. Và nữa tôi không bao giờ quên cách hành xử rất con người của ông Tô (bí danh của Thủ tướng Phạm Văn Đồng) đã không làm tôi mất mặt trước đám đông mà tìm cách uốn nắn nhẹ nhàng ở chỗ riêng tư. Sau này, khi nắm giữ các vị trí lãnh đạo, khi uốn nắn sai sót của cán bộ cấp dưới tôi luôn tránh làm họ “mất mặt”.
Khi Đoàn lên Lêningrát (nay là Xanh Petécbua) bạn tổ chức một cuộc mít tinh lớn ngoài trời ở sân Nhà máy sản xuất tuốcbin chào mừng Đoàn. Tại đó Thủ tướng Côxưghin đi theo Đoàn (việc chưa từng có) đọc diễn văn nhiệt liệt ca ngợi dân tộc ta, hoan nghênh Hiệp định Paris đồng thời hàm ý khuyên ta tôn trọng Hiệp định, tránh làm nẩy sinh xung đột quân sự trở lại. Đồng chí Lê Duẩn ghé tai Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: anh nói lại đi để dư luận tránh hiểu lầm ta.
Đáp lại, Thủ tướng không đọc bài viết sẵn mà nói vo rất hùng hồn theo tinh thần nhiệt liệt cảm ơn Liên Xô, nêu cao tư tưởng cách mạng của Lênin, khẳng định quyết tâm của nhân dân ta thống nhất đất nước, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới.
Tôi không bao giờ quên được cảm giác căng thăng tột độ khi dịch đuổi bài diễn văn khá dài của ông Côxưghin và nhất là đáp từ nói vo của ông Phạm Văn Đồng ngày hôm đó.
Qua bài nói của mình ông Tô vừa bầy tỏ những tình cảm trước sau như một của nhân dân ta với LX, vừa nêu tư tưởng cách mạng của Lênin với hàm ý phản bác tư tưởng phổ biến của một số nước anh em lúc đó muốn hòa hoãn, thỏa hiệp với Mỹ nhưng cố tránh bộc lộ sự khác biệt giữa ta và bạn. Chỉ tới khi về tới Cung Xmônưi, trong cuộc gặp hẹp ông mới nói rõ hơn lập trường chính đáng của ta, vạch rõ âm mưu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định.
Qua đó tôi nghiệm ra rằng, làm ngoại giao phải hết sức nhanh nhậy, đồng thời hết sức khôn khéo bảo vệ quan điểm của mình, bác bỏ những quan điểm khác biệt nhưng phải tìm cách nói và chỗ nói thich hợp.
Còn với ông Trường Chinh tôi học được nhiều điều qua tác phong hết sưc cẩn trọng, kỹ càng trong lời nói và hành động (chẳng thế mà ông có bí danh “anh Thận”). Có lần sang nhà ông báo cáo về một việc kèm theo dự thảo văn bản, tôi được ông uốn nắn cách dùng từng từ, từng câu một. Ông dặn tôi: sao các chú cứ dùng từ “vinh quang” là thế nào? từ Hán – Việt là “quang vinh” chứ; tương tự như vậy phải viết là “bảo đảm” chứ không phải là “đảm bảo”, sao các chú cứ dùng từ “cứu cánh” như “phao cứu sinh”? “Cứu cánh” nghĩa là cái đích cuối cùng mà…
Có lần đi nước ngoài với ông tôi phải kiêm nhiệm cả ba vai trò: thư ký viết diễn văn, phiên dịch đồng thời làm cả nhân viên đánh máy nên rất cực. Sở dĩ vậy vì Cụ kỹ tính lắm: diễn văn chữa đi chữa lại không biết bao nhiêu lần, sai một chữ, thậm chí một cái dấu đều phải đánh máy lại từ đầu vì lúc đó làm gì có laptop mà sửa trên máy?
Qua những mẩu chuyện kể trên đủ thấy con chữ tinh tế và quan trọng đến mức nào; mỗi nhà ngoại giao nói chung, phiên dịch ngoại giao nói riêng rất cần hiểu biết và chỉn chu trong việc dùng chữ.
Thôi, những chuyện “bây giờ mới kể” thì nhiều vô cùng. Chỉ có điều mỗi cán bộ ngoại giao, mỗi phiên dịch qua mỗi lần tiếp xúc đều có thể và cần chắt lọc ra những bài học bổ ích cho mình; còn có biến chúng thành hành động cụ thể hay không thì còn tùy ở trí tuệ, quyết tâm, bản lĩnh, đam mê của mỗi người!
[1] Tham gia Đoàn có các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh
Nguyên Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Vũ Khoan
Liên quan