Những tai nạn dịch thuật gây hậu quả lớn

Những tai nạn dịch thuật gây hậu quả lớn

26/03/2021admin

1. Một từ đáng giá 71 triệu đô
 Vào năm 1980, cậu bé 18 tuổi Willie Ramirez đã được đưa vào một bệnh viện bang Florida trong tình trạng hôn mê. Bạn bè và gia đình của cậu đã cố gắng mô tả tình trạng của cậu cho các nhân viên y tế và các bác sĩ chữa trị nhưng họ chỉ nói bằng tiếng Tây Ban Nha. Một nhân viên biết hai thứ tiếng ở đó đã thực hiện việc phiên dịch và đã dịch "intoxicado" thành "intoxicated".

Một phiên dịch viên chuyên nghiệp sẽ biết rằng "intoxicado" gần nghĩa với "poisoned" (bị ngộ độc) và không mang hàm ý về việc sử dụng thuốc hay rượu giống như từ "intoxicated" (say thuốc/rượu). Gia đình của Ramirez đã tin rằng cậu bé bị ngộ độc thực phẩm.

Cậu bé khi đó thực chất đã bị xuất huyết nội sọ nhưng các bác sĩ đã xử lý việc cấp cứu như trong trường hợp dùng thuốc quá liều có chủ ý, trường hợp mà cũng dẫn đến những triệu chứng như cậu đã biểu hiện. Do trì hoãn điều trị, Ramirez đã bị liệt cả tứ chi. Cậu đã được nhận một khoản bồi thường cho sai sót là 71 triệu đô.

 2. Sự thèm khát dục vọng tương lai của bạn

Khi Tổng thống Carter có chuyến đi đến Ba Lan vào năm 1977, Bộ Ngoại giao đã thuê một phiên dịch viên người Nga biết tiếng Ba Lan nhưng lại không quen với việc phiên dịch chuyên nghiệp bằng thứ tiếng đó.

Thông qua phiên dịch viên, Carter rút cục đã nói những câu bằng tiếng Ba Lan như “khi tôi bỏ rơi nước Mỹ” (thay cho “khi tôi rời nước Mỹ”) và “sự thèm khát dục vọng tương lai của bạn” (thay cho “khát vọng về tương lai của bạn”). Những lỗi này đều được truyền thông cả hai nước vô cùng thích thú.

 3. Chúng tôi sẽ chôn vùi các người

Trước tình hình căng thẳng của chiến tranh lạnh, người đứng đầu Xô viết Nikita Khrushchev đã đưa ra một bài phát biểu trong đó ông đã nói một cụm từ được dịch từ tiếng Nga sang thành “We will bury you” (Chúng tôi sẽ chôn vùi các người).

Câu nói được hiểu là một lời đe dọa đáng sợ sẽ chôn vùi nước Mỹ bằng tấn công hạt nhân và đã gia tăng thêm căng thẳng giữa Mỹ và Nga. Tuy nhiên, bản dịch đã dịch hơi quá thô. Ý nghĩa của cụm từ bằng tiếng Nga nghiêng về “chúng tôi sẽ sống sót để nhìn các người bị chôn vùi” hay “chúng tôi sẽ sống lâu hơn các người” hơn. Vẫn không hẳn là thân thiện nhưng cũng không có tính đe dọa đến vậy.

4. Không làm gì cả

Vào năm 2009, Ngân hàng HSBC đã phải tiến hành chiến dịch thay đổi hình ảnh thương hiệu trị giá 10 triệu đô để sửa chữa tổn thất gây ra khi khẩu hiệu của ngân hàng “Assume Nothing” (xem như không có gì cả) đã bị dịch sai thành "Do Nothing" (không làm gì cả) ở rất nhiều nước.

Tags:
Chia sẻ:

Liên quan