Những lỗi thường thấy ở các phiên dịch mới vào nghề

Những lỗi thường thấy ở các phiên dịch mới vào nghề

03/06/2021admin

1. Nói quá to hoặc nói quá nhỏ

Phiên dịch mới vào nghề thường nghĩ đơn giản rằng nhiệm vụ của mình chỉ là dịch mà quên mất khâu kiểm tra chất lượng âm thanh của mic và tai nghe dẫn tới việc âm lượng nói quá to hoặc quá nhỏ. Thậm chí có những trường hợp phiên dịch non tay đang nói rất “hùng hồn” bỗng dung lí nhí trước những đoạn không nghe rõ lời diễn giả.

Tất cả những điều này đều khiến phiên dịch mất điểm trong mắt khách hàng. Nếu phiên dịch nói quá to sẽ khiến người nghe bị đau tai dẫn đến cảm giác khó chịu, nghe không lọt, còn nói quá nhỏ thì người nghe sẽ rất khó khăn để có thể lắng nghe. luôn nhớ rằng dù âm lượng không phù hợp thì dù phiên dịch dịch chuẩn xác đến đâu cũng sẽ khiến người nghe cảm thấy chán nản, không muốn lắng nghe nữa.

Lời khuyên: Một phiên dịch chuyên nghiệp luôn chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ trước khi tác nghiệp. Hãy đến sớm trước thời gian diễn ra hội thảo/cuộc họp để có đủ thời gian chuẩn bị tinh thần cũng như kiểm tra hệ thống âm thanh bao gồm loa đài, mic, tai nghe, để biết cách điều chỉnh âm lượng sao cho phù hợp. Đồng thời phiên dịch cũng cần để ý xem ai là người phụ trách âm thanh để có thể nhanh chóng liên lạc và khắc phục nếu xảy ra sự cố kỹ thuật.

2. Dịch nhầm tên, chức danh của khách mời và diễn giả.

Nhiều phiên dịch (đặc biệt những phiên dịch mới vào nghề) thường chỉ để ý chuẩn bị chủ đề và những thông tin chính diễn ra trong buổi hội thảo, bài phát biểu mà coi nhẹ việc tìm hiểu thông tin về khách mời, diễn giả có mặt trong chương trình vì cho rằng đây là việc quá đỗi đơn giản.

Tuy nhiên, không ít trường hợp phiên dịch đã phải đỏ mặt vì râu ông nọ cắm cằm bà kia hoặc đọc sai, phát âm nhầm tên hoặc danh xưng của khách mời. Sự nhầm lẫn của phiên dịch khiến cả người nghe cũng vô cùng hoang mang, chẳng hiểu ông khách mời lạ hoắc này “chui” ở đâu ra, chưa nghe bao giờ mà trong giấy mời tờ rơi cũng chẳng hề đề cập đến?!

Lời khuyên: Phiên dịch cần tìm hiểu trước danh xưng, tên gọi của đại biểu bằng cách liên hệ với ban tổ chức trước khi phiên làm việc diễn ra. Trong trường hợp phiên dịch gặp khó khăn với việc liên hệ với ban tổ chức, hãy lưu ý rằng trước mỗi buổi hội thảo thường có một danh sách của những người tham gia trên bộ tài liệu chương trình hoặc bản báo cáo của buổi hội thảo trước đó, hãy cố gắng tham khảo và tìm hiểu trước về cách phát âm tên, chức danh, danh xưng của đại biểu ở cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích để tránh tình huống trên xảy ra.

3. Trí nhớ có hạn, phiên dịch gặp nạn

“Cạn lời” là một vấn đề thường xảy ra khi dịch nói, đặc biệt đối với phiên dịch mới vào nghề. Bên cạnh những diễn giả thân thiện với phiên dịch, cũng có nhiều diễn giả “củ chuối” nói dài và cũng khá “vòng vo tam quốc”, làm khó các phiên dịch. Bởi họ cho rằng phiên dịch có 72 phép thần thông, nói thế nào chẳng dịch được.

Tuy nhiên sự thật là trí nhớ của con người luôn có hạn, những phiên dịch mới vào nghề luôn thường không thể nhớ hết được cả một bài nói dài và ngoằn ngoèo như sông như suối của diễn giả, dẫn đến sự ấp úng, không tự tin vào phần trình bày của mình. Ai cũng đã từng nghe câu nói “Muốn người khác tin mình, trước tiên mình phải tin mình trước đã”. Với sự ấp úng, ngập ngừng đầy sạn và thiếu tự tin ở chính bản thân mình thế này, ai có thể tin phiên dịch đây?

Lời khuyên: Để ứng phó với những diễn giả có "độ lầy" cao này, phiên dịch có thể áp dụng một số phương pháp:

- Thực hành bài tập luyện trí nhớ.
- Giống như máy tính, có những người trí nhớ tốt (RAM khỏe) nhưng cũng có những người trí nhớ có hạn (RAM thấp). Với máy tính, chúng ta luôn có thể nâng cấp RAM bằng cách thêm thanh RAM ngoài. Vậy với phiên dịch thì sao? Để hỗ trợ bộ nhớ, phiên dịch có thể lựa chọn phương pháp học và luyện tập ghi chép nhanh như một giải pháp hỗ trợ bộ nhớ ngoài.

- Ngoài ra, để tóm lược ý của đại biểu, phiên dịch hãy cố gắng nắm được ý chính và từ khóa trong bài phát biểu. Để quen dần, chúng ta có thể luyện tập ghi chép và ghi nhớ các bài phát biểu thú vị trên một số nguồn video như TEDtalks hoặc Youtube các bạn nhé!

Để các phiên dịch mới vào nghề có thêm “dụng cụ” để mở khóa những thử thách về trí nhớ và khả năng ghi chép, Sao Khuê sẽ mang đến cho các bạn những bài viết cụ thể hơn về từng phương pháp trong các kỳ sau.

4. Diễn giả “hăng hái”, phiên dịch “tê tái”

- Thông thường các diễn giả chuyên nghiệp đều có lối nói rất tự nhiên khi phát biểu trước đám đông. Họ thường tự tin, linh hoạt trong tông giọng và ngôn ngữ cơ để gia tăng sự hấp dẫn cho bài diễn thuyết của mình.

Tuy nhiên một số phiên dịch lại bị chi phối bởi áp lực “đuổi ý” và thiếu tự tin trong giao tiếp nên khó nhập tâm vào bài phát biểu mà thay vào đó sử dụng giọng nhừa nhựa cảm xúc để dịch.Buổi hội thảo xem như thất bại. Phiên dịch đáng ra phải là “cầu nối giao tiếp” và truyền tải toàn bộ tinh thần và nội dung từ ngôn ngữ nguồn đến ngôn ngữ đích. Một phiên dịch “nhất quán” đến độ trăm câu một chất giọng thì đúng là “sập cầu” mất rồi!

Khuyên: Để tránh “gãy cầu” giao tiếp, các phiên dịch cần chú ý đến tông giọng của diễn giả, luyện tập cách thể hiện các trạng thái cảm xúc qua lời nói. Ngoài ra, để đạt được hiệu quả tối đa trong việc giao tiếp bằng lời nói, ngoài việc thường xuyên luyện tập và tìm hiểu các phương pháp làm chủ giọng nói qua các bài tập tại nhà, các phiên dịch có thể tìm hiểu các lớp học phiên dịch chất lượng cao hoặc các khóa học làm chủ giọng nói (voice coaching) để có thể tự tin hơn khi phiên dịch.

5. Nghe rất “thần”, dịch “thất thần”

Như đã nói ở trên, các phiên dịch mới vào nghề thường thiếu sự ổn định tâm lý. Những nỗi sợ của phiên dịch như sợ sai thuật ngữ, sợ câu dịch khó hiểu, sợ người nghe nhận ra sự bỡ ngỡ của mình khi lần đầu đi dịch là những vật cản vô hình khiến phiên dịch “cứng họng” dù khả năng nghe và nói tiếng Anh “không phải dạng vừa đâu”. Ngoài ra cũng còn một số trường hợp do phiên dịch không chuẩn bị kỹ càng, đọc tài liệu và tìm hiểu thuật ngữ kỹ trước sự kiện dẫn tới việc gặp khó khăn khi chuyển ngữ.

Lời khuyên: Các phiên dịch nên cố gắng thả lỏng đầu óc, chú ý giữ gìn sức khỏe và giọng nói của mình. Ngoài ra, quá trình chuẩn bị kỹ càng các chủ đề sẽ giúp bạn tự tin hơn trong việc chinh phục các nhiệm vụ phiên dịch. Việc tích lũy kiến thức nền cũng rất quan trọng trong việc giúp phiên dịch tự tin hơn khi chuyển ngữ. Ngoài ra, các bạn có thể thử tập luyện thiền như một phương pháp nuôi dưỡng tâm hồn trước một công việc áp lực cao.

Tags:
Chia sẻ:

Liên quan