Làm thông ngôn là một may mắn lớn

Làm thông ngôn là một may mắn lớn

12/04/2021admin

Một trong những may mắn lớn trong đời đã giúp tôi trưởng thành và thực hiện được nhiệm vụ một chiến sỹ trên mặt trận ngoại giao trên 40 năm là đã được bắt đầu nhiệm vụ và nhiều năm làm một thông ngôn theo cách gọi dân giã xưa.

Giữa giữa năm 60 thế kỷ trước, ngoại giao trở thành một mặt trận thực sự. Trong bối cảnh đó, tôi đã bị “bắt lính” xung trận khi đang còn là sinh viên năm thứ nhất khoa Văn học, Nghệ thuật trường Đại học La Habana, Cuba. Cụ thể là phiên dịchnghiệp dư cho Đại sứ VNDCCH và các đoàn ta sang thăm và làm việc ở nước bạn. Tôi vừa học vừa làm như vậy suốt 2 năm;đến tháng 8 -1967 thìđược điều động ra làm việc hẳn, được công nhận tốt nghiệp đặc cách, không phải qua thời gian tập sự, vào ngay biên chế và bắt đầu nhiệm kỳ hơn 3 năm là phiên dịch chính thức ở Đại sứ quán.

Giai đoạn hơn 5 năm đầu tiên này đã để lại trong ký ức tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc, trong đó nổi bật nhất là nhiều lần được dịch cho Lãnh tụ Fidel Castro tiếp lãnh đạo các đoàn và Đại sứ ta. Nhờ vậy, tôi được quen biết ông.

Cuối năm 1970 tôi về nước, là cán bộ Vụ Cuba Mỹ La tinh, theo dõi quan hệ với Cuba; đồng thời,cũng là phiên dịch chính tiếng Tây Ban Nha của Bộ.Thời kỳ này,tôi đã dịch rất nhiều lần cho lãnh đạo ta tiếp các đoàn Cuba và các phong trào cách mạng trong khu vực sang thăm, tìm hiểu kinh nghiệm cách mạng Việt Nam; trong đó đặc biệt nhất làđã dịch cho Fidel trong suốt chuyếnthăm lịch sử đầu tiên của ông, tháng 9 năm 1973.

Đầu 1974, tôi trở lại Cuba là Tùy viên rồi Bí thư thứ ba phụ trách tuyên truyền báo chí, văn hóa. Tuy vậy, do yêu cầu công tác,một số dịpvẫn làm phiên dịch, trong đó đáng ghi nhớ nhất là tháp tùng và dịch suốt cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm chính thức Cuba, tháng 3- 1974, và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Cuba, cuối 1975 đầu 1976, trên hai danh nghĩa : Trưởng đoàn đại biểu Đảng ta dự Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba và tiếp đó là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong không khí chiến thắng hào hùng Đại thắng mùa Xuân 1975 của quân và dân ta vẫn còn nóng hổi khắp hòn Đảo Tự do.

Cuối năm 1977 về nước tôi lại là cán bộ Vụ Cuba- Mỹ La tinh, phụ trách quan hệ với Cuba, đồng thời vẫn như giai đoạn trước là phiên dịch chính tiếng Tây Ban Nha. Công việc làm phiên dịch vẫn tiếp tục trong thời kỳ tôi tham gia lớp tập sự phó Vụ trưởng đầu tiên của Bộ (1978 -1980); trong đó nổi bậtlà dịch cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng tham dự Hội nghị cấp cao VI Phong trào Không liên kết ở Cuba và tiếp đó thăm Nicaragua, Panama và Mexico, chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao ta tới khu vực này. Năm 1981, tôi được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng rồi Quyền Vụ trưởng Vụ Cuba Mỹ La tinh; nhưng trong một số cuộc tiếp xúc, làm việc quan trọng của lãnh đạo cấp cao ta với lãnh đạo cấp cao bạn tôi vừa tham dự và làm phiên dịch luôn. Trong số đó, có mấy lần phục vụ Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch,  Bí thư TƯ Đảng Hoàng Tùng…

Như vậy, tôi bắt đầu công tác như một phiên dịch nghiệp dư, rồi chính thức và tiếp đó vẫn kiêm nhiệm phiên dịch, suốt gần 15 năm đầu tiên trong ngành.Có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc về nhiều mặt như một phiên dịch. Tôi xin chia sẻ với bạn đọc mấy kỷ niệm đặc biệt nhất đã khắc sâu nơi tâm khảm.

Đó là lần đầu tiên dịch cho Fidel và Đại sứ nước tại chiêu đãi Quốc khánh 2-9-1965, khi tôi còn là sinh viên.

Đứng bên cạnh Đại sứ đón khách, nhìn thấy vị lãnh tụ tối cao của Cách mạng Cuba mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, trong bộ quân phục quen thuộc, rảo bước tiến vào, tim tôi đập dồn dập… Tôi cố trấn tĩnh! Fidel bắt tay Đại sứ rồi bắt tay tôi và tất cả cán bộ ngoại giao ta cùng đứng đón khách với Đại sứ. Hơi ấm từ bàn tay ông nắm chặt bàn tay tôi, cử chỉ thân mật của ông với Đại sứ, cũng như khi đáp lại sự chào đón nồng nhiệt của khách có mặt, đã giúp tôi trấn tĩnh lại phần nào. Rồi, ngồi dịch cho ông và Đại sứ, ánh mắt long lanh, chăm chú, trìu mến, giọng nói nồng ấm, cử chỉ thân tình của Fidel đã làm cho tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái, tự tin. Tôi chăm chú dịch đầy đủ, chuẩn xác, diễn đạt trung thành cuộc trò chuyện giữa Fidel và Đại sứ.

Ấn tượng của tôi về Fidel trong cuộc gặp gỡ và được dịch cho ông lần đầu tiên ấy, về sự quan tâm thật sâu sắc, tình cảm thật nồng hậu, sự ủng hộ hết lòng và niềm tin của ông đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược cứu nước của nhân dân ta cũng như về sự gần gũi, giản dị, thân tình của ông đã khắc sâu trong tâm khảm tôi. Tôi thầm cảm ơn ông. Chính sự gần gũi, giản dị, thân tình của ông đã giúp tôi bình tĩnh, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tôi cũng không thể nào quên giây phút lịch sử sung sướng, xúc động đến run người khi trực tiếp nghe và dịch đồng thời cho Trưởng đoàn ta đang ngồi trên lễ đài lời tuyên bố nổi tiếng của Fidel “Vì Việt Nam nhân dân Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, giữa tiếng vỗ tay và hô khẩu hiệu vang như sấm dậy “Việt Nam anh hùng muôn năm!” “Cuba và Việt Nam đoàn kết nhất định thắng!” của một biển người trước mặt tại Quảng trường Cách mạng Jose Marti, Thủ đô La Hanaba, ngày 2-1966 để kỷ niệm lần thứ 7 Cách mạng Cuba thành công và chào mừng các đoàn đại biểu Á, Phi, Mỹ La tinh đến tham dự Hội nghị lần thứ nhất đoàn kết ba châu do Cuba tổ chức.

Rồi, đúng một năm sau, cũng ngày 02 – 01, trong bối cảnh và với những xúc cảm tương tự tại quảng trường lịch sử ấy, tôi lại được nghe và dịch đồng thời cho Trưởng đoàn đại biểu nước ta sang tham dự kỷ niệm lần thứ tám Cách mạng Cuba lời tuyên bố dõng dạc của Fidel đặt tên năm 1967 là “Năm Việt Nam Anh hùng!” để biểu thị mạnh mẽ tình đoàn kết chiến đấu với Việt Nam.

Kỷ niệm đặc biệt cuối cùng trước khi tôi thôi học trở thành cán bộ chính thức của ĐSQ là khi đi dịch cho Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị dẫn đầu đoàn Đảng và Chính phủ ta sang dự kỷ niệm lần thứ 14 Ngày Khởi nghĩa vũ trang 26-7-1967. Fidel đã dành gần trọn một ngày đến Nhà khách, đích thân lái xe đưa, rồi hướng dẫn Phó Thủ tướng đi thăm một Trung tâm chăn nuôi bò sữa ở La Habana. Suốt chuyến đi, vừa lái xe vừa nói chuyện, rồi dọc hành trình thăm từng cơ sở chăn nuôi, ngắm nhìn và vỗ về những con bò béo mập, cũng như trong bữa trưa thân mật tại văn phòng Trung tâm…Fidel đã say sưa nói về kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi bò đúng như một chuyên gia thực thụ. Đặc biệt, ông đã nói với Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị: Sau ngày thắng lợi Việt Nam phải phát triển chăn nuôi đại gia súc để nhân dân Việt Nam được uống sữa, ăn thịt, công nghiệp chăn nuôi gà để nhân dân có đủ trứng, thịt.Sữa và trứng là hai loại thực phẩm rất bổ dưỡng, đặc biệt cho trẻ em và người cao tuổi. Ông nói đã tìm hiểu và biết là bò bản địa của Việt Nam rất nhỏ, cho sữa không đáng kể. Theo ông thì cách phát triển đàn bò phù hợp nhất, tốt nhất ở Việt Nam là lai tạo giống đực cao sản với bò cái bản địa. Theo cách đó thì sẽ giữ lại được các đặc tính thích nghi với khí hậu, môi trường, khả năng miễn dịch của bò bản địa, đồng thời nâng cao được năng suất sữa, tuy không đạt mức lý tưởng như giống cao sản thuần chủng, nhưng đầu tư lại ít tốn kém nhất, có thể phát triển đại trà ở khắp nơi và nhanh chóng cho kết quả, rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đúng 6 năm sau, trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau khi ký kết Hiệp định Paris, tháng 9-1973, Fidel đã tặng nhân dân ta 5 công trình quý giá, trong đó có xây dựng Trung tâm bò đực giống Moncada ở Ba Vì và Trang trại chăn nuôi bò sữa cao sản tại Mộc Châu cùng Trung tâm gà đẻ giống gốc Tam Đảo và Trang trại gà đẻ trứng Lương Mỹ, với những con giống thuần chủng cao sản tốt nhất thế giới, cùng đầy đủ máy móc, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia tài năng, tận tụy. Vậy là, từ những ngày chiến tranh đang diễn ra rất ác liệt, vị lãnh tụ của nhân dân Cuba đã nghĩ tới sẽ giúp đỡ Việt Nam xây dựng lại đất nước sau ngày thắng lợi như thế nào cho thiết thực, hiệu quả! Còn riêng đối với cá nhân tôi thì, tại bữa cơm thân mật ở Văn phòng Trung tâm, như đã kể, Fidel tiếp tục nói chuyện say sưa với Phó Thủ tướng về chăn nuôi bò… Tôi được bố trí ngồi cùng ăn bên cạnh Phó Thủ tướng, nhưng chỉ tập trung dịch. Đột nhiên, Fidel nói với ông Nghị: “Chúng ta tạm dừng nói chuyện cho Rafa * nó ăn một chút”. Tôi dịch cho ông Nghị mà thấy tim đập mạnh! Cử chỉ quan tâm, chu đáo, nhân hậu ấy của Fidel làm sao tôi có thể quên được!

Chính công tác thông ngôn đã cho tôi cơ hội có lẽ là người Việt Nam được may mắn gặp gỡ và dịch cho Fidel nhiều nhất. Tôi đã quen biết Fidel chỉ như một sinh viên, rồi một cán bộ phiên dịch Đại sứ quán Việt Nam ở Cuba. Vậy mà khi sang thăm Việt Nam lần đầu, Fidel vẫn nhớ, gọi tôi bằng tên thân mật và hỏi thăm về công việc và gia đình tôi!  Biết bao nhiêu kỷ niệm với Fidel trong chuyến đi lịch sử đặc biệt ấy đã khắc sâu trong tâm khảm tôi! Kỷ niệm đặc biệt nhất với tư cách phiên dịch chính là tôi đã phải dịch đuổicác diễn văn hoàn toàn ứng khẩu rất dài và hùng biện của ông, một tiền lệ chưa từng thấy trong đón tiếp các nhà lãnh đạo cấp cao nước ngoài thăm chính thức nước ta, ít nhất cho tới khi đó. Tôi đã cố gắng dịch và truyền cảm tốt cả về nội dung và hình thức diễn đạt. Thử thách đầu tiên là đáp từ của Fidel tại chiêu đãi chào mừng Đoàn tại Phủ Chủ tịch, tối 12-9-1973. Anh em tổ chuyên trách gồm những người thông thạo tiếng Tây Ban Nha ngồi ở Bộ theo dõi, sau đó bóc tách từ băng ghi âm rồi rà soát lại, cho biết không phải chỉnh lý gì, chỉ thêm các dấu chính tả rồi chuyển ngay cho các cơ quan báo chí.Báo Nhân dân ngày hôm sau đã đăng toàn văn.

Một kỷ niệm đặc biêt nữa với Fidel là dịp tôi tháp tùng và dịch cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng tham dự Hội nghị Cấp cao VI các nước Không liên kết, tổ chức ở La Habana đã nhắc tới ở trên. Sáng mồng 3 tháng 9 năm 1979, tôi đang ngồi cùng Thủ tướng tại phòng VIP dành riêng cho Thủ tướng ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế, chờ tham dự Lễ khai mạc, thì Fidel đến thăm và trao đổi với Thủ tướng về Hội nghị. Sau cuộc nói chuyện thân mật, Thủ tướng tiễn Fidel ra cửa Phòng khách. Sau khi bắt tay, ôm hôn tạm biệt Thủ tướng, thật bất ngờ, Fidel nắm tay tôi đi theo ông ra ngoài hành lang. Ông bá vai tôi thật thân tình, tỏ vui mừng gặp lại tôi. Ông hỏi tôi thêm một số thông tin cụ thể về Campuchia (một vấn đề quan trọng phải quyết định tại phiên khai mạc Hội nghị là quyền đại diện của Campuchia: Cộng hòa Nhân dân Campuchia hay Campuchia Dân chủ?) và lại hỏi tôi về công việc và gia đình. Tôi vô cùng xúc động! Mấy ngày sau, tôi thật ngỡ ngàng, sung sướng: Một cận vệ của Fidel mà tôi quen biết từ trước đã tặng tôi một tấm ảnh chụp thời khắc không thể nào quên đó, điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

Suốt những năm tháng ấy ngoại giao đã trở thành một mặt trận chính, ngày càng phát triển sâu rộng, mạnh mẽ, đặc biệt với cuộc hòa đàm Parisgay go, phức tạp và trường kỳ nhất trong lịch sử. Đồng thời, quan hệ đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa nước ta với Cuba cũng như phong trào cách mạng Mỹ La tinh phát triển rất mạnh mẽ. Cho nên, khối lượng công việc phiên dịch tôi được đảm nhiệm rất lớn, phong phú, vô cùng bổ ích. Đặc biệt,các cuộc thông báo, trao đổi, nói chuyện, đối đáp, ứng xử … của các nhà lãnh đạo ta cũng như  Cuba và các phong trào cách mạng Mỹ La tinh, nhất là Fidel Castro, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… với một lượng thông tin, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn khổng lồ, đa dạng… về cách mạng Việt Nam nói chung, về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước,cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của ta nói riêng, về tình hình cách mạng Cuba, phong trào cách mạng Mỹ La tinh cũng như cục diện quan hệ quốc tế… thực sự là một trường đại học tổng hợp về ngoại giao đối với tôi. Có lẽ, nhiều điều không thể thấy trong các giáo trình. Tôi đã học được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm về mọi mặt trong trường đại học thực tiễn ấy. Đồng thời, là một người không hề được đào tạo về ngoại giao, phiên dịch, để thực hiện được nhiệm vụ, tôi đã không ngừng học hỏi toàn diện, không chỉ về ngôn ngữ, nghiệp vụ, mà cả các kiến thức chung.Và nhờ vậy, tôi đã trưởng thành và làm tròn các nhiệm vụ được trao trong hơn bốn chục năm công tác trong ngành.

Có lẽ, tôi đã được lãnh đạo các cấp biết đến như một phiên dịch tốt và nhờ vậy đã có cơ hội tiến bộ. Tôi còn nhớ lần dịch cho Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tiếp đoàn lãnh đạo Đảng Cộng sản và Mật trận Farabundo Marti của El Salvador sang tìm hiểu kinh nghiệm cách mạng Việt Nam. Tôi đã ghi lại biên bản và được Bộ trưởng khen là đã viết lại đầy đủ, gần như nguyên văn. Tôi cũng có một số lần dịch cho Bí thư Trung ương Đảng Hoàng Tùng tiếp các đoàn lãnh đạo Cuba và phong trào cách mạng Mỹ La tinh.

Khi Ban Bí thư họp xét duyệt danh sách các Đại sứ mới được đề cử năm 1983, trong đó có tôi đi Nicaragua( lúc  đó tôi ở tuổi 38, lại là lần đầu tiên một cán bộ xuất thân chỉ từ một sinh viên như tôi được cử làm Đại sứ), đã có một số ý kiến không đồng ý, cho là tôi còn quá trẻ và chưa qua thử thách thực tiễn chiến đấu mà cách mạng Nicaragua lại đang bị Mỹ bao vây, chống phá rất quyết liệt, bạn cũng như phong trào cách mạng Trung Mỹ đang phát triển mạnh mẽ rất cần học tập kinh nghiệm Việt Nam. Đại diện Bộ đã giải trình là tuy tôi chưa qua thực tiễn chiến đấu nhưng nắm vững các bài học cách mạng Việt Nam do đã nhiều lần dịch cho lãnh đạo ta trao đổi kinh nghiệm với lãnh đạo Cuba và các phong trào cách mạng Mỹ La tinh, lại thông thạo tiếng Tây Ban Nha sẽ làm việc trực tiếp với lãnh đạo bạn là rất thuận. Còn về quá trẻ thì may mắn khi đó ta vừa đón Chủ tịch Nicaragua Daniel Ortega sang thăm, còn nhỏ hơn tôi 1 tuổi. Bí thư TƯ Đảng Hoàng Tùng cũng lên tiếng bảo vệ. Thế là được thông qua. Đến khi Hội đồng Nhà nước phê chuẩn cũng có mấy ý kiến phản đối tương tự. Nhưng cuối cùng các lý lẽ của Bộ đã thuyết phục được. Cho nên, tôi nghĩ: nếu không có may mắn đã làm phiên dịch nhiều năm cho các vị lãnh đạo thì chắc chắn sẽ không có chuyện tôi trở thành Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền ít tuổi nhất và gần 3 thập kỷ sau mới có người trẻ hơn.

Tôi nhận thức rõ: Bổ nhiệm tôi làm Đại sứ tại Nicaragua, một địa bàn chiến đấu, khi đó là một việcđổi mới đột phá trong công tác tổ chức cán bộ, gây xôn xao dư luận trong ngành. Nếu tôi không hoàn thành nhiệm vụ thì cánh cửa vừa mở ra cho lớp trẻ chắc sẽ bị đóng lại. Tôi đã nỗ lực hết sức và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cả về đối ngoại và quản lý nội bộ. Nhờ vậy, khi về nước, tháng 2-1987, tôi đã được lãnh đạo Bộ cho về Vụ Chính sách đối ngoại. Rồi kế đó, tại Đại hội Đảng bộ cuối 1987 không ngờ tôi lại trúng cử ĐU với số phiếu cao nhất, rồi trở thành Bí thư ĐU chuyên trách ít tuổi nhất và chỉ ít tháng sau lại được Bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ TCCB trẻ nhất cho đến tận bây giờ mới có Vụ trưởngcùng tuổi nhưng nhỏ hơn mấy tháng…

Bởi vậy, viết những dòng này cho Kỷ yếu truyền thống biên phiên dịch ngoại giao, tôi muốn chia sẻ với các đồng nghiệp trẻ là: được làm cái nghề thông ngôn này là một may mắn, một cơ hội rất tốt để họctập, rèn luyện toàn diện, từ đó trưởng thành, tiến bộ và có thể cống hiến tốt nhất cho ngành, cho đất nước.

                                                                                                                Nguyễn Đình Bin

Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nicaragua kiêm nhiệm Ecuador và tại Pháp kiêm nhiệm Bồ Đào Nha.

Chia sẻ:

Liên quan